Tạp chí: Kỷ yếu Hội thảo Ứng dụng GIS toàn quốc 2015 tại Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 06-09/10/2015
Sản xuất lúa ở Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) chịu ảnh hưởng của các yếu tố hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn, điều kiện hệ thống thủy lợi và tình hình phát triển kinh tế nông nghiệp. Cơ cấu mùa vụ lúa phân bố khác nhau theo từng vùng đất và thường xuyên biến động, lịch thời vụ luôn thay đổi gây khó khăn cho việc quản lý sản xuất nông nghiệp. Cần có một công cụ có khả năng giám sát trên phạm vi rộng, đáp ứng kịp thời cho việc theo dõi nhanh về tình hình thay đổi của cơ cấu mùa vụ. Do đó, đề tài được thực hiện với các mục tiêu như sau: (i) Sử dụng ảnh viễn thám để xác định hiện trạng mùa vụ lúa khu vực ĐBSCL từ năm 2000 - 2013; (ii) Theo dõi biến động của các cơ cấu mùa vụ lúa trên các vùng đất khác nhau khu vực ĐBSCL. Nghiên cứu sử dụng phương pháp viễn thám, tính toán chỉ số NDVI từ ảnh vệ tinh MODIS (MOD09Q1) độ phân giải 250 m, chu kỳ lặp 8 ngày có ngày chụp từ 01/01/2000 đến 30/12/2013 để theo dõi biến động cơ cấu mùa vụ ở ĐBSCL. Kết quả cho thấy sự phân bố cơ cấu mà vụ khác nhau trên 6 tiểu vùng sinh thái và sự biến động cơ cấu mùa vụ chịu ảnh hưởng nhiều của điều kiện thủy văn. Sử dụng 200 điểm khảo sát hiện trạng và cơ cấu mùa vụ trên các vùng đất trồng lúa để kiểm tra kết quả phân loại ảnh, với kết quả kiểm tra phân loại đạt được độ chính xác 86,5%. Bên cạnh đó số liệu thống kê diện tích lúa Đông Xuân, Hè Thu và lúa Mùa từ năm 2000 đến năm 2013 được sử dụng để kiểm tra, so sánh với kết quả giải đoán ảnh. Kết quả cho thấy giữa chúng có mối tương quan chặt chẽ với nhau (0,81 < R2< 0,98).