Mục tiêu của nghiên cứu là xác định đáp ứng năng suất của phân NPK lên sinh trưởng, năng suất mía. Thí nghiệm được bố trí theo khối hoàn toàn ngẫu nhiên gồm 4 nghiệm thức phân bón (NPK, NP, NK và PK) trên đất phù sa ở Cù Lao Dung ? Sóc Trăng và ở Long Mỹ - Hậu Giang. Kết quả thí nghiệm cho thấy bón đạm giúp gia tăng chiều cao cây mía và đường kính thân cây mía. Hiệu quả nông học của N, P, K được xếp theo thứ tự đạm > lân > kali. Trong đó, hiệu quả nông học đối với phân NPK là 158,33 - 211,67 kg mía/kgN; 110,00 - 162,00 kg mía/kg P2O5 và 41,25 - 58,75 kg mía/kg K2O. Đáp ứng năng suất đối với phân bón theo thứ tự N>P>K và đáp ứng năng suất mía đối với phân NPK ở Cù Lao Dung cao hơn ở Long Mỹ - Hậu Giang. Bón kali cho thấy làm tăng độ brix mía đường trồng trên đất Cù Lao Dung và Long Mỹ ở giai đoạn 270 và 330 ngày sau khi trồng.